Mấy năm gần đây, hình ảnh những nhân viên làm dịch vụ bảo vệ mà từ quen dùng là vệ sĩ đã không còn xa lạ với đời sống dân cư. Họ có mặt ở khắp nơi, từ siêu thị, nhà hàng đến các lễ hội, thậm chí cả đám cưới…
Sự phát triển của nền kinh tế với nhu cầu ngày càng lớn về một dịch vụ chuyên trách bảo vệ tài sản, bảo vệ con người đã khiến cho dịch vụ này bung ra với tốc độ chóng mặt.
Một loại dịch vụ ăn khách
Vào thời điểm năm 1995, cả nước chỉ có một doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ duy nhất là Công ty Long Hải. Cho đến giữa năm 2001, con số này là 6. Còn đến thời điểm này, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an, cả nước hiện có 121 doanh nghiệp làm dịch vụ bảo vệ ở 23 tỉnh, thành với con số nhân viên lên tới gần 22.000 người. Ấy là còn chưa kể một số doanh nghiệp tư nhân đội lốt dưới dạng dịch vụ cung cấp thông tin” nhưng thực chất là làm dịch vụ bảo vệ. Trong đó, nhiều nhất là TPHCM: 60 công ty, kế đến là Hà Nội: 43 công ty, Đồng Nai: 12 công ty. Điều đó phần nào cho thấy tốc độ phát triển chóng mặt của loại hình dịch vụ này. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty Điều tra & Bảo vệ V, lý giải: Đó là do nhu cầu xã hội. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp, các cá nhân có nhu cầu về bảo vệ tài sản, bảo vệ con người trong khi lực lượng bảo vệ chính quy chỉ có ở cơ quan công quyền. Để đáp ứng nhu cầu đó, dịch vụ bảo vệ đã ra đời như một xu hướng tất yếu.
Và, thế là vệ sĩ xuất hiện ở khắp nơi, với đủ các kiểu trang phục tùy theo sở thích cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp. Có doanh nghiệp cho vệ sĩ mặc tuyền một màu đen. Có doanh nghiệp lại cho mặc trang phục màu vàng với dây đeo vắt từ vai xuống bụng. Có doanh nghiệp lại cho vệ sĩ mặc kiểu nhà binh với đầy đủ lon cầu vai, ve áo trông cứ như sĩ quan quân đội, sĩ quan an ninh. Thôi thì trang phục đủ loại, đủ kiểu với đủ các loại phong cách, trường phái, dấu ấn. Chủ một doanh nghiệp khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về ý tưởng thiết kế trang phục cho nhân viên đã không ngần ngại bảo rằng, phương châm của doanh nghiệp là ấn tượng, vệ sĩ càng ăn vận khác người càng tốt, càng dễ gây ấn tượng và với họ, làm cho người khác ngứa mắt cũng là một cách gây ấn tượng.
Và, cứ thế, vệ sĩ có mặt ở bất cứ nơi nào có nhu cầu. Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn ký được những hợp đồng bảo vệ cao ốc, bảo vệ siêu thị,… số còn lại kinh doanh theo kiểu mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Một đám cưới mà chú rể quá khứ mắc nhiều nợ tình, sợ các cô ùn ùn mang con đến trả hoặc quậy tưng bừng làm hỏng ngày lễ trọng đại của cuộc đời thì cũng phải tìm đến thuê… vệ sĩ. Các anh chàng vệ sĩ cao to, võ nghệ đầy mình sẽ trút bỏ bộ đồng phục của công ty để lẫn vào thực khách, bảo vệ cô dâu, chú rể trong lễ tơ hồng. Một nhà hàng ở TPHCM đã từng bị đối tác thuê vệ sĩ làm cho khóc dở mếu dở bằng quái chiêu độc nhất vô nhị. Đó là từ tờ mờ sáng tới đêm khuya, một tốp vệ sĩ đến vài chục người ăn vận tuyền một màu đen, hai tay khoanh trước ngực, mặt lạnh còn hơn cả sắt, vai kề vai đứng quây xung quanh nhà hàng khiến các khách hàng hãi hùng không ai dám bước chân vào. Hay một ông tổng giám đốc tậu được cô vợ ba là người mẫu nghiệp dư, có ưu điểm là quá xinh nhưng lại mắc cái tật muôn thuở của rất nhiều người đẹp là đa tình. Thế là để giữ vợ, ông tổng giám đốc này cũng ký hợp đồng thuê vệ sĩ… bảo vệ vợ. Ông bảo, nhờ có vệ sĩ mà tên nào dù có gan hùm cũng chả bao giờ dám mơ tưởng hay tơ hào đến người đẹp. Hay một cậu ấm cô chiêu nào đó thích chơi hơn thích học, mà cha mẹ lại quá dư tiền thì chỉ cần ký hợp đồng, ngay lập tức sẽ có một hay nhiều anh chàng vệ sĩ điển trai, biết võ nghệ sẵn sàng trở thành “bảo mẫu” của các cậu ấm cô chiêu. Họ đưa các cậu ấm cô chiêu đi học và rước về nhà, họ kè kè bên các cậu ấm cô chiêu y hệt một cái bóng.
Những cuộc tuyển dụng ồ ạt
Việc tuyển dụng và đào tạo các vệ sĩ là cả một câu chuyện dài với đủ các tình tiết bi hài. Một cặp vợ chồng chuyên nghề mổ lợn ở một tỉnh phía Nam sau khi thấy dịch vụ bảo vệ ăn khách cũng từ bỏ dao thớt chuyển qua nghề cung cấp vệ sĩ. Một chủ hàng karaoke ở TPHCM cũng đứng ra thành lập doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ. Doanh nghiệp này xuất chiêu tuyển sinh ồ ạt rồi thuê một ông thầy dạy võ về đào tạo cách đấm đá cho nhân viên. Có doanh nghiệp thì chuyên thu nạp các vệ sĩ… bị sa thải ở các công ty khác về công ty mình để khỏi mất phí đào tạo (?!) Nhiều doanh nghiệp thì cứ đăng báo tuyển sinh ồ ạt, càng tuyển sinh nhiều càng thu được nhiều phí đào tạo và mục tiêu kinh doanh chính của các doanh nghiệp này là thu lợi nhuận từ phí đào tạo chứ không phải là từ việc cung cấp dịch vụ bảo vệ cho khách hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có một số không nhiều các doanh nghiệp có uy tín, có thương . hiệu mới không thu phí đào tạo, còn hầu hết đều thu phí với mức giá dao động từ 2 đến 5 triệu mỗi học viên cho một khóa huấn luyện. Nhưng, không phải tất cả các học viên sau khi huấn luyện đều được bố trí việc làm mà phần nhiều trong số họ sau khi huấn luyện sẽ về địa phương chờ.
Cũng giống như trang phục, giáo trình và thời hạn đào tạo các vệ sĩ hiện cũng chưa có quy chuẩn. Doanh nghiệp tự đào tạo và tự cấp chứng chỉ, tựa như chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi vậy. Doanh nghiệp thích đề ra chương trình học thế nào cũng được, có thể vừa học võ vừa học nghiệp vụ xử lý tình huống, văn hóa ứng xử, có thể chỉ học võ không cũng được. Thế mới có chuyện khôi hài là một doanh nghiệp nọ khi cho nhân viên đi làm, kỹ năng đầu tiên họ dạy và buộc các nhân viên phải thuần thục là nói dối. Tuy chỉ được một ông thầy dạy võ luyện cho mấy bài quyền và vài động tác võ thuật nhưng nếu khách hàng có lỡ tra hỏi được học ở đâu thì tất thảy các vệ sĩ của doanh nghiệp này phải nằm lòng câu đáp: “Chúng tôi được gửi đào tạo tại Trường Đại học Cảnh sát Thủ Đức”. Thời hạn học cũng rất vô biên có doanh nghiệp chỉ đào tạo 2 tháng, có doanh nghiệp thì 3 tháng, thậm chí chỉ 1 tháng. Chỉ có một vài doanh nghiệp lớn gửi học viên vào một số trường đào tạo chính quy học những lớp ngắn hạn nhưng thời gian dài nhất cũng chỉ 4-5 tháng. Ngay như Công ty Yuki Sepre 24, một doanh nghiệp liên doanh uy tín với hơn 3.000 nhân viên bảo vệ cả Bắc lẫn Nam, thì chương trình đào tạo vệ sĩ của họ cũng chỉ có 4 tháng.
Ngoài hai đối tượng là bộ đội xuất ngũ và công an phục viên, các công ty tuyển dụng còn đặc biệt ưu tiên các cụ võ sĩ hoặc các học viên trường thể thao. Tuyển dụng các đối tượng này có ưu điểm là họ có sức khoẻ, có võ nghệ và bản lĩnh đã được rèn luyện khá tốt trên đấu trường, doanh nghiệp sẽ không phải mất công đào tạo võ thuật nhưng cóá một điều nguy hiểm là nếu không giáo dục họ một cách cẩn thận về đạo đức nghề nghiệp cũng như kiến thức pháp luật thì từ vệ sĩ đến côn đồ chỉ trong gang tấc.
Pháp luật cần phải nghiêm ngặt hơn
Những cuộc tuyển dụng ồ ạt và sự xem nhẹ chất lượng đào tạo đã cho ra đời hàng loạt những kẻ côn đồ khoác áo vệ sĩ. Trong vụ trọng án tại Khách sạn Camelia Hải Phòng, giữa ban ngày một tốp côn đồ đã vào đây, hành hung dã man một người là đội trưởng đội thợ điện khiến người này bị trọng thương. Đáng tiếc là 2 trong số côn đồ này là vệ sĩ của Công ty Bảo vệ Toàn Cầu. Vụ 2 nhân viên của Công ty Dịch vụ bảo vệ Long Hải làm hợp đồng bảo vệ cho Công ty Posters nhưng lại là thủ phạm lấy trộm 72 kg cáp điện của chính công ty mà họ làm nhiệm vụ bảo vệ. Mới đây nhất là vụ vệ sĩ của Công ty Dịch vụ bảo vệ Trường Sơn hành hung và phá hủy máy ảnh của PV Trang Dũng của Chuyên đề ANTG tại Lễ hội 995 năm Thăng Long.
Đây là một bằng chứng đau lòng về hành vi côn đồ, coi thường pháp luật của nhóm vệ sĩ này.
(theo An ninh thế giới)