Muôn Mặt… Nghề Vệ Sĩ

Năm 1995, lần đầu tiên ở Việt Nam, Công ty liên doanh Việt Nhật Yuki Sepre 24  và Công ty Long Hải chính thức đăng ký hoạt động loại dịch vụ đặc biệt: bảo vệ – vệ sĩ. Sau 11 năm, đến nay Hà Nội đã có tới 59 công ty vệ sĩ (trong đó 50 doanh nghiệp của Hà Nội, 8 chi nhánh của các tỉnh thành khác và 1 công ty liên doanh);

còn tại TPHCM hiện có khoảng gần 60 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này. Xu hướng phát triển dịch vụ vệ sĩ chuyên nghiệp cũng bắt đầu nở rộ ở các tỉnh thành khác. Nếu trung bình mỗi công ty có 100 vệ sĩ thì cả nước hiện có hơn 10.000 người tham gia vào công việc mới mẻ này

Có mặt mọi nơi, mọi lúc

Có rất nhiều lý do để các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tìm đến dịch vụ vệ sĩ. Trước tiên là tính hiệu quả và sự gọn nhẹ trong bộ máy quản lý, thay vì phải tuyển dụng bảo vệ, khách hàng chỉ cần ký hợp đồng với một công ty vệ sĩ là sẽ tránh được mọi việc liên quan như hợp đồng lao động, bảo hiểm, chi phí đào tạo, chế độ chính sách cho người lao động… Thứ hai là dịch vụ bảo vệ có thể cung cấp sự an toàn nhanh chóng, đáng tin cậy khi có yêu cầu. Vệ sĩ bảo vệ tư gia, vệ sĩ có mặt trong các cuộc tranh chấp, xuất hiện kè kè bên các ông bà chủ giàu có hoặc con cái họ… không còn là chuyện trên phim ảnh. Trong một số trường hợp, người ta còn muốn có vệ sĩ không phải để bảo vệ mà nhằm… chưng diện sau khi đã đầy đủ nhà cao cửa rộng, xe hơi xịn, hột xoàn lấp lánh.

Giám đốc một công ty vệ sĩ cho biết: “Xét về điều kiện chung, mỗi công ty vệ sĩ ra đời đều phải đáp ứng đầy đủ về tư cách pháp nhân để chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không hoàn thành hợp đồng đã ký kết. Hàng năm, các công ty đều phải đóng bảo hiểm rủi ro khách hàng; khi xảy ra sự cố làm hư hỏng, thất thoát tài sản, chủ nhân sẽ được đền bù thỏa đáng theo giá trị tài sản”.

Có lẽ chính những cam kết này là điểm nhấn thu hút khách hàng đến với dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp ngày một đông, nhiều công ty đã phải bỏ ra vài chục ngàn đôla mỗi tháng để thuê vệ sĩ. Một lãnh đạo của Công ty Hasegawa (có văn phòng tại Trung tâm thương mại Zen Plaza) cho biết, mỗi tháng công ty của bà phải trả hơn 10 ngàn đôla cho dịch vụ bảo vệ. Con số này rất khiêm tốn so với nhiều công ty khác vì Zen Plaza chỉ thuê bảo vệ (vệ sĩ) ban đêm ở một vài vị trí quan trọng, số còn lại là bảo vệ của Zen.

Sở dĩ nhiều công ty đã có bảo vệ riêng nhưng vẫn thuê thêm bảo vệ ngoài vì còn có tác dụng kiểm tra chéo, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp vừa thể hiện đẳng cấp quốc tế của một trung tâm thương mại (TTTM) như Zen. Qua tìm hiểu, chúng tôi giật mình vì giá thuê vệ sĩ tại một số TTTM và các công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài: một vị trí trực 24/24h lên tới 700 đôla/tháng. Nhiều nơi tính theo giờ nhưng giá cũng không dễ chịu chút nào, 10 ngàn đôla cho dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp mỗi tháng không phải hiếm. Kinh tế thị trường ở Việt Nam càng phát triển sôi động thì càng có lý do để nghề vệ sĩ phát triển.

Lợi nhuận và tiềm năng của thị trường là lý do để các công ty vệ sĩ thi nhau ra đời (năm 1995 chỉ có 2 công ty, đến nay đã có hơn 100 công ty trên cả nước). Tuyển dụng vệ sĩ là việc tốn nhiều công sức. Một vệ sĩ đúng nghĩa thì ngoài tiêu chuẩn về hình thức, chuyên môn (biết võ thuật, khỏe mạnh, có nghiệp vụ, kinh nghiệm…), vấn đề đào tạo, lý lịch rõ ràng, trong sạch được đặt lên hàng đầu. Mức lương cơ bản cũng khá hấp dẫn, thường từ 1,8 – 2,5 triệu đồng/tháng/người nên cũng thu hút được nhiều người.

Phản bội nghề nghiệp

Dịch vụ vệ sĩ nhìn ở góc độ nào cũng luôn mang đến sự an toàn cho xã hội.  Thế nhưng, thời gian gần đây báo chí liên tục đưa tin về một số bảo vệ – vệ sĩ đánh người, trộm cắp và cả bắt cóc tống tiền gia chủ. Đâu là nguyên nhân khiến những con người mang trách nhiệm giữ gìn sự an bình cho xã hội lại quay ra gây rối hoặc trở thành tội phạm?

Vệ sĩ ngày nay xuất hiện nhan nhản khắp nơi, trong đó có không ít “vị” ăn mặc trông rất “khủng bố”, đầu cạo trọc, nét hung hãn thể hiện ngay trước mắt bàn dân thiên hạ. Dư luận vẫn chưa quên hình ảnh những chàng vệ sĩ đi theo bảo vệ ca sĩ Ưng Hoàng Phúc trong chuyến lưu diễn ở huyện Cần Giờ đã dùng dao chém anh H.T.V hai nhát vào vai và tay khiến anh phải đi cấp cứu. Rồi chuyện phóng viên ảnh T.T.D khi tác nghiệp trong chương trình “Siêu mẫu 2004” đã bị bốn bảo vệ của nhà thi đấu Phan Đình Phùng kẹp cổ, đấm đá túi bụi theo kiểu giang hồ thứ thiệt trước hàng ngàn khán giả, mặc dù có rất nhiều người can ngăn nhưng họ vẫn tỉnh bơ “hành sự”. Hậu quả là phóng viên này ngoài thương tích đầy mình còn mất thêm chiếc ĐTDĐ. Đầu năm 2005 tại Hà Nội xảy ra vụ bảo vệ công trường đánh một nữ phóng viên gây thương tích khi phóng viên này đang tác nghiệp một cách hợp pháp.

Cũng những sai phạm nghiêm trọng do bảo vệ – vệ sĩ gây ra, đầu năm 2006 một cặp vệ sĩ đã gây hoang mang dư luận qua việc bắt cóc tống tiền bé trai 8 tuổi con một gia đình giàu có ở quận Tân Bình. Ngày 22-2-2006, người của Công ty Đông Zin (Đồng Nai) phát hiện tên Nguyễn Hùng Linh – nhân viên bảo vệ thuộc Công ty dịch vụ bảo vệ Đ (đang bảo vệ cho công ty) – trộm một máy hàn. Cơ quan chức năng bắt một công nhân tên Nguyễn Tấn Toàn (SN 1983, ngụ Khánh Hòa) người câu kết với bảo vệ trộm cắp tài sản công ty. Gần đây nhất, cuối tháng 4-2006, Công an tỉnh Đồng Nai bắt Vũ Thành Định (SN 1984, quê Tiền Hải – Thái Bình), đội trưởng Đội bảo vệ Công ty Long Hòa thuộc Công ty dịch vụ bảo vệ Đ, câu kết với một số công nhân ăn cắp 20 bộ giàn giáo.

Trên đây chỉ là một trong số rất ít vụ việc gây mất trật tự xã hội do các chàng “hiệp sĩ” gây ra trong khoảng thời gian gần đây mà công luận đã lên tiếng. Thậm chí ngay tại một nhà sách, bảo vệ cũng đánh người phải đi cấp cứu và không thiếu những chuyện vệ sĩ bảo kê cho quán bar, vũ trường có khách sử dụng thuốc lắc, vệ sĩ đánh công an (tại Huế) hoặc tham gia đòi nợ, xiết nợ trái pháp luật mà báo chí đã từng phanh phui…

Phải làm gì?

Theo nhìn nhận của một người đứng đầu Công ty vệ sĩ N., nguyên nhân chính dẫn đến việc làm sai trái của một số bảo vệ – vệ sĩ là sai sót trong khâu tuyển dụng và đào tạo, xác minh lý lịch đối tượng. Nhu cầu thị trường kéo theo sự ra đời ồ ạt của nhiều công ty cùng lúc dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt trong khâu tuyển vệ sĩ nên việc để lọt sổ những người không đủ tư cách đạo đức vào làm việc là không thể tránh khỏi. Điều này đã từng xảy ra với Công ty bảo vệ L.H. Chỉ vì tin lời người quen gửi gắm, công ty đã nhận một thanh niên về làm bảo vệ. Sau vài tháng làm việc, trong ca trực tại một công ty thuộc khu công nghiệp Sóng Thần, nhân viên này đã thông đồng với người ngoài ăn cắp tài sản mang đi bán. Rất may công an kịp thời phát hiện, bắt giữ.

Đa số nhân viên mới được công ty huấn luyện nghiệp vụ (chủ yếu là võ thuật, pháp luật, nghiệp vụ bảo vệ) từ 3-6 tháng rồi về làm việc. Từng đó thời gian để đào tạo một con người trở thành chuyên nghiệp, xét về góc độ nào cũng là vội vàng. Một số đối tượng tiềm ẩn tính xấu, khi có cơ hội sẽ bộc phát, gây nguy hại. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là cơ chế giám sát nhân viên bảo vệ hiện nay rất kém, ít thấy các công ty đi kiểm tra nhân viên trực chốt. Thêm vào đó, mỗi khi có sự cố xảy ra, lãnh đạo công ty lại thường giải quyết bằng cách thương lượng để ém nhẹm mọi việc trước dư luận, tránh tai tiếng, thiệt hại uy tín cho công ty. Đó cũng chính là “tấm bùa” cho sự tái phạm của nhân viên.

Nghề vệ sĩ nếu được đầu tư và hoạt động đúng chức năng, từng vệ sĩ nếu biết tự trau dồi, nâng cao khả năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, đạo đức sẽ rất phù hợp với đất nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Đó chính là việc mà các nhà quản lý dịch vụ này cần phải nhìn lại; trong đó nên tập trung kiện toàn khâu tuyển dụng, đào tạo, quản lý vệ sĩ của mình.

(Theo CA-TPHCM)

HOTLINE: 0938 307 662