Nghề vệ sĩ ở Việt Nam có từ khoảng giữa thập niên 90. Đặt nền móng đầu tiên là Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nhật Yuki Sepre 24, một liên doanh cung cấp dịch vụ bảo vệ giữa Bộ Công an và Tập đoàn Kotobuki của Nhật Bản, ra đời ngày 19.1.1995. Hợp đồng gây tiếng vang lớn cho công ty này là đặc vụ bảo vệ ca sĩ Lê Minh (một ca sĩ Hồng Kông sang Việt Nam biểu diễn). “Lúc bấy giờ, để cắt đuôi các fan hâm mộ Lê Minh cuồng nhiệt, chúng tôi đã bố trí một người đóng giả làm ca sĩ Lê Minh “tiếp” các fan, còn Lê Minh thật thì bí mật đưa ra xe ở cửa sau từ nơi biểu diễn về khách sạn an toàn”, một người quản lý Công ty Việt Nhật Yuki Sepre 24 nhớ lại.
Tiếp theo Việt Nhật Yuki Sepre 24, tháng 10.1995, một vị tướng về hưu tên Phan Xuân Soàn đứng ra thành lập một công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ lấy tên là Long Hải. Công ty Long Hải một thời gian dài chiếm giữ thị trường cung ứng dịch vụ bảo vệ phía Nam, sau đó mới “chia lại” thị phần cho một công ty bảo vệ khác là Hoàng Gia (chi nhánh phía Nam) vào đầu những năm 2000. Lúc bấy giờ, Việt Nhật Yuki Sepre 24 cũng tách ra làm 2 công ty: Thăng Long 71 và Việt Nhật Yuki Sepre 24.
Những năm gần đây, kinh doanh dịch vụ vệ sĩ có vẻ khấm khá nên hàng loạt công ty ra đời. Trong đó không loại trừ những công ty làm ăn chụp giựt: đào tạo thì không tới nơi tới chốn mà lại tìm cách lừa gạt khách hàng, ký những hợp đồng lớn rồi đưa “hàng kém chất lượng” vào thay thế. Cho nên, một ngày nào đó bạn có thể sẽ nhìn thấy một chàng vệ sĩ mặc đồng phục rất “oách”, tay lăm lăm máy bộ đàm, chăm chăm bảo vệ mục tiêu… Nhưng nhìn kỹ một chút bạn sẽ nhận ra một điều, anh chàng ấy chỉ làm công việc của một người gác cổng không hơn không kém!